CHUNG TAY BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG.

Một công dân Việt Nam bị kết án tù vì sở hữu trái phép sừng tê giác

Một công dân Việt Nam bị kết án tù vì sở hữu trái phép sừng tê giác

06/07/2010, 05:35:10 PM
(Vfej.vn)-Thông cáo báo chí từ Liên hiệp Quốc tế Bảo tồn thiên nhiên cho biết, Xuân Hoàng, một công dân Việt Nam đã bị tuyên phạt 10 năm tù vì tội sở hữu trái phép 7 chiếc sừng tê giác (nặng 16kg) trong đó 4 chiếc từ săn bắt trái phép với giá trị gần 900.000 ZAR (01ZAR = 2.476VND). Bản án đã được quyết định vào ngày 30/6/2010 tại Nam Phi.


 sung te giac
Sở hữu  trái phép sừng tê giác sẽ bị kết án tù

Bản án 10 năm tù giam dành cho Xuân Hoàng, một công dân Việt Nam, do Quan tòa Hoàng thân Manyathi kết án và tuyên phạt tại Phiên tòa Kempton Park vào thứ tư, ngày 30/6/2010. Bị cáo không được xem xét nộp phạt bảo lãnh. Xuân Hoàng bị bắt tại Sân bay quốc tế O.R. Tambo ngày 29/3/2010 cùng với 7 chiếc sừng tê giác (nặng 16kg) trong đó 4 chiếc từ săn bắt trái phép với giá trị gần 900.000 ZAR (01ZAR = 2.476VND).

Các nhân viên của Cục Thuế Nam Phi, đơn vị đã hỗ trợ Lực lượng chống tội phạm có tổ chức (HAWKS) và các Thanh tra quản lý môi trường (EMIs) của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gauteng (GDARD) trong suốt quá trình điều tra vụ việc, ước tính giá chợ đen của những chiếc sừng này có thể lên tới 2triệu ZAR.

Xuân Hoàng bị kết tội và kết án vì tội sở hữu trái phép 7 chiếc sừng tê giác chiểu theo điều 10, đạo luật đa dạng sinh học năm 2004 -Luật quản lý môi trường quốc gia và tội lừa đảo chiểu theo điều 51, Bộ luật tố tụng hình sự năm 1977. Mặc dù trong phiên bào chữa, Xuân Hoàng xin được khoan hồng và xin nộp phạt thay vì ngồi tù, nhưng với lý luận chặt chẽ chống lại hắn từ HAWKS và Ủy viên công tố quốc gia, luật sư Michelle du Preez, lời thỉnh cầu của hắn đã bị bỏ ngoài tai khi Quan tòa Manyathi kết luận phạt hành chính không còn là một biện pháp đủ cứng rắn để ngăn cản những vi phạm tương tự nữa.


Tính từ đầu năm đã có 124 con tê giác bị săn trộm ở Nam Phi, trong đó có 5 con tê giác đen, một loài đang bị đe dọa tuyệt chủng. Trong vòng sáu tháng đầu năm, con số này đã vượt qua tổng số tê giác bị săn bắt trộm trong cả năm trước đó (122 con). Với cách tính ngoại suy thì đến hết năm 2010, số tê giác bị săn bắt trộm có thể lên tới 300 con. Quan tòa Manyathi cho biết ông muốn gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Việt Nam qua bản án này vì phạt tiền dường như chưa đủ để ngăn cản chúng. Ông cũng nhấn mạnh việc Xuân Hoàng đến Nam Phi là để phạm tội với động cơ làm giàu mà không hề cân nhắc đến những thiệt hại sẽ gây ra.
                                 
Bản án 10 năm tù giam cho tội sở hữu sừng tê giác đã tạo ra một tiền lệ mới trong cuộc chiến chống lại những tên trùm săn bắt tê giác. Trong một phiên xử trước đây tại Tòa án khu vực Bloemfontein năm 2009, một công dân Việt Nam bị kết án vì sở hữu trái phép 4 sừng tê giác. Tuy nhiên, bản án đưa ra là phạt hành chính 50.000 ZAR hoặc 12 tháng tù giam và án treo từ 2-5 năm. Những bản án này không ngăn cản được những tên săn trộm khi so sánh với giá trị mà sừng tê giác mang lại cho chúng trên thị trường chợ đen và thường thì kết quả là những bị cáo này lại vẫn tái phạm với tội danh tương tự. Hi vọng bản án mới này sẽ bắt đầu làm chùn bước những kẻ săn trộm lấp sau cái bóng của đồng tiền và  thế lực chính trị để chúng không còn tàn phá những di sản thiên nhiên của chúng ta nữa.

Nhiều người Việt Nam đã tham gia vào hoạt động săn bắt hợp pháp tê giác trắng nhằm mục đích lấy sừng hợp pháp từ năm 2003 khi cuộc đi săn đầu tiên diễn ra và sừng được xuất khẩu hợp pháp vào Việt Nam. Từ đó, họ đã săn khoảng hàng trăm con tê giác trắng với sự giúp đỡ không ngần ngại của những thợ săn chuyên nghiệp và chủ kinh doanh đồ đi săn Nam Phi. Một số vụ săn bắt trái phép cũng đã bị phát hiện.
Quyên Xinh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét